Xét nghiệm vi khuẩn HP được tiến hành nhằm xác định chính xác sự xuất hiện của chủng vi khuẩn Helicobacter pylori trong cơ thể. Y học hiện nay thực hiện 4 kỹ thuật xét nghiệm chính là test hơi thở, xét nghiệm phân, xét nghiệm phân và nội soi dạ dày.
Xét nghiệm vi khuẩn HP là gì?
Xét nghiệm vi khuẩn HP sẽ giúp bác sĩ nhận biết được sự hiện diện của xoắn khuẩn HP (Helicobacter pylori) có tồn tại trong cơ thể hay không. Xét nghiệm này nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây ra các vấn đề dạ dày – thực quản, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Vi khuẩn HP là chủng vi khuẩn gram âm có khả năng trung hòa axit dạ dày bằng cách tiết ra men urease. Men này sẽ làm tăng nồng độ PH của dịch vị, giúp vi khuẩn có thể tồn tại, phát triển trong niêm mạc dạ dày.
Các độc tố do chủng vi khuẩn này tiết ra có thể phá vỡ màng nhầy bảo vệ và kích thích khởi phát ứng viêm loét ở niêm mạc.
Điều trị các vấn đề dạ dày thực quản dương tính với vi khuẩn HP đòi hỏi phải có phác đồ điều trị riêng biệt, căn cứ vào độ nhạy cảm của vi khuẩn, khả năng đáp ứng và thể trạng của từng trường hợp.
Những trường hợp sau sẽ được tiến hành thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP:
- Cơ thể xuất hiện những biểu hiện ở đường tiêu hóa như đầy hơi, nôn trớ thức ăn, chướng bụng, hôi miệng, khó tiêu, đau thượng, ợ chua, nóng rát dạ dày, nôn mửa, buồn nôn, ợ hơi,…
- Thực hiện mục đích để xác định được nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản,…
- Thực hiện sau khi kết thúc liệu trình điều trị tiêu trừ vi khuẩn HP, giúp bác sĩ biết được kết quả điều trị thành công hay thất bại.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bệnh cũng được bác sĩ chuyên khoa yêu cầu xét nghiệm vi khuẩn HP.
Kỹ thuật xét nghiệm vi khuẩn HP
Hầu hết vi khuẩn HP đều tồn tại, phát triển ở niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, loại xoắn khuẩn này cũng có thể xuất hiện trong nước bọt và phân.
Do đó, y học hiện nay có nhiều kỹ thuật xét nghiệm vi khuẩn HP. Cụ thể như:
1. Xét nghiệm máu
Khi vi khuẩn HP tấn công vào cơ thể người, lúc này hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể với mục đích đối kháng lại với vi khuẩn.
Tiến hành xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ xác định được sự hiện diện của kháng thể kháng lại vi khuẩn Helicobacter pylori có trong huyết tương ở những trường hợp dương tính với xoắn khuẩn này.
Tuy nhiên, kỹ thuật xét nghiệm máu ít được bác sĩ chỉ định để xác nhận sự có mặt của vi khuẩn HP bởi các nguyên do sau:
- Trên thực tế, vi khuẩn Helicobacter pylori tồn tại với số lượng có hạn ở cơ quan tiêu hóa và không gây ra các biểu hiện bất thường. Trong trường hợp này, xét nghiệm máu sẽ rất khó để tìm thấy kháng thể tương ứng.
- Đối với những người từng nhiễm vi khuẩn HP và đã tiêu trừ toàn bộ vi khuẩn này nhưng trong huyết tương vẫn còn chứa kháng thể vi khuẩn khoảng vài tháng đến vài năm.
- Các trường hợp có chức năng đề kháng kém, lúc này hệ miễn dịch hầu như không có xu hướng đối kháng lại với vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Kỹ thuật xét nghiệm máu sẽ khả năng gây ra dương tính vi khuẩn HP giả cao, nên chỉ được chỉ định thực hiện bổ sung cùng với các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác.
2. Xét nghiệm phân
Lượng nhỏ vi khuẩn Helicobacter pylori sẽ theo thức ăn ở dạ dày di chuyển xuống đường ruột và đào thải qua phân. Vì vậy, xét nghiệm này sẽ giúp tìm được sự hiện diện của chủng vi khuẩn này ở ống tiêu hóa, từ đó bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp.
Xét nghiệm phân thường sẽ cho ra kết quả chính xác cao và chi phí hợp lý, nhưng kỹ thuật này gây ra phiền toái và bất tiện khi phải lấy bệnh phẩm. Bên cạnh đó, xét nghiệm này có kết quả chậm nên không tiện lợi với những người bệnh không có nhiều thời gian.
Tuy nhiên, xét nghiệm phân không gây ra đau, khó chịu như xét nghiệm nội soi nên vẫn được khá nhiều người bệnh lựa chọn.
3. Test hơi thở (nghiệm pháp hơi thở)
Nghiệm pháp hơi thở là kỹ thuật xét nghiệm vi khuẩn HP được áp dụng khá nhiều. Kỹ thuật này thường cho ra kết quả chính xác, không gây khó chịu, đau đớn được thực hiện cho nhiều đối tượng, kể cả trẻ nhỏ.
Test hơi thở được tiến hành bằng cách thổi hơi vào một thiết bị có hình dạng quả nóng hoặc thiết bị giống với máy ATM. Lúc này thiết bị này sẽ phân tích hơi thở để cho ra kết quả âm tính hay dương tính với vi khuẩn HP.
Thông thường, nồng độ PH trong dạ dày sẽ gần bằng 2, nhưng khi bị nhiễm vi khuẩn HP, chúng sẽ sản sinh ra men urease nhằm trung hòa và tăng độ PH trong dịch vị. Ngoài ra, khi thủy phân, men urease sẽ tạo ra CO2 và NH3.
Trong đó CO2 sẽ đi vào tuần hoàn máu rồi đi vào phổi và được đào thải qua hơi thở. Nghiệm pháp hơi thở vận dụng nguyên lý này để xác định được sự tồn tại của Helicobacter pylori có trong dạ dày hay không.
Xét nghiệm test hơi thở cho ra kết quả chính xác cao, thời gian thực hiện nhanh và không xâm lấn như nội soi hay lấy máu. Tuy nhiên, kỹ thuật xét nghiệm này có mức chi phí khá cao, nhiều người bệnh không có khả năng chi trả.
4. Nội soi dạ dày
Đây được xem là kỹ thuật chẩn đoán quan trọng với các vấn đề ở đường tiêu hóa. Nội soi dạ dày được tiến hành bằng cách bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ống nội soi có gắn camera siêu nhỏ vào đường miệng hoặc đường mũi, sau đó đi xuống cổ họng đến thực quản và dạ dày.
Những hình ảnh từ camera ở thiết bị nội soi sẽ giúp bác sĩ quan sát được ổ viêm loét ở dạ dày, các vết xước hoặc khối u bất thường ở đường tiêu hóa. Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết mô ở vị trí niêm mạc bị tổn thương để tiến hành xét nghiệm Clo test hoặc nuôi cấy vi khuẩn Helicobacter pylori.
Sau khi có kết quả nuôi cấy, có thể xác định được sự có mặt của vi khuẩn HP trong cơ quan tiêu hóa, lúc này bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp.
Kỹ thuật nội soi gây khó chịu, có thể bị xây xước niêm mạc, buồn nôn nhưng đây là kỹ thuật cho ra kết quả chính xác. Đồng thời còn biết được mức độ tưởng thương dạ dày, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Lưu ý trước khi tiến hành xét nghiệm vi khuẩn HP
Xét nghiệm vi khuẩn Helicobacter pylori là một trong kỹ thuật chẩn đoán quan trọng trong việc xác định nguyên nhân cũng như tìm ra hướng điều trị các bệnh lý dạ dày, thực quản.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả xét nghiệm phản ánh chính xác nhất về mức độ bệnh lý, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau trước khi tiến hành xét nghiệm.
Một số lưu ý trước khi làm xét nghiệm vi khuẩn HP, bao gồm:
- Lựa chọn các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP. vì thăm khám tại các phòng khám nhỏ có thể cho ra kết quả không chính xác, đồng thời làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn Helicobacter pylori do thiết bị y khoa không được vô trùng, vô khuẩn hoàn toàn.
- Không ăn uống (trừ nước lọc) từ 4 – 6 tiếng trước khi tiến hành test hơi thở và nội soi dạ dày. Thời điểm thích hợp nhất để làm xét nghiệm này là vào sáng sớm.
- Khi thực hiện kỹ thuật test hơi thở, bạn cần ngưng sử dụng thuốc giảm tiết axit dạ dày và thuốc kháng sinh ít nhất 14 ngày. Vì các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến nồng độ PH của dịch vị, số lượng vi khuẩn Helicobacter pylori, từ đó ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.
- Kỹ thuật nội soi dạ dày có thể gây ra trầy xước và chảy máu niêm dạ dày. Do đó, trước khi thực hiện bạn nên tránh dùng thuốc chống viêm không chứa steroid và thuốc đông máu.
- Thông báo với bác sĩ chuyên khoa về tiền sử bệnh lý, nhất là các trường hợp như tiểu đường, các bệnh lý tim mạch, cao huyết áp để tránh các rủi ro khi thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP.
- Bạn có thể đề nghị bác sĩ gây mê khi xét nghiệm nội soi để làm tránh tình trạng buồn nôn, khó chịu.
- Đối với kỹ thuật xét nghiệm máu và xét nghiệm phân, cần thông báo với bác sĩ về lịch sử dụng thuốc để hạn chế tối đa tình trạng cho ra kết quả sai lệch.
Trên đây là các kỹ thuật xét nghiệm vi khuẩn HP được thực hiện phổ biến hiện nay. Với mỗi kỹ thuật sẽ có ưu điểm và hạn chế riêng. Do đó, trước khi tiến hành xét nghiệm, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và lựa chọn kỹ thuật phù hợp với tình trạng bệnh lý và khả năng tài chính.
CHỦ ĐỀ DÀNH CHO BẠN:
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!