Trào ngược dạ dày, trĩ hay viêm loét dạ dày đều là những bệnh về đường tiêu hoá thường gặp phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, cuộc sống mà các bệnh lý trên còn có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm trực tiếp đến tình mạng nên cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
9 căn bệnh về đường tiêu hoá thường gặp, không nên chủ quan
Hệ tiêu hóa gồm chuỗi các cơ quan từ miệng đến hậu như như miệng, thực quản, dạ dày, gan, túi mật, ruột non, ruột già, trực tràng, đại tràng và hậu môn. Đây là cơ quan rất quan trọng của cơ thể, có nhiệm vụ chính là đưa thức ăn vào trong, hấp thụ các dưỡng chất đi nuôi các cơ quan khác và đào thải thức ăn dư thừa ra bên ngoài. Hệ tiêu hóa nếu hoạt động kém hiệu quả sẽ khiến cơ thể không hấp thụ được dưỡng chất và gây nên rất nhiều vấn đề khác.
Các bệnh về đường tiêu hóa là các bệnh phổ biến nhất mà hầu như ai cũng từng gặp phải, có người chỉ ở mức độ nhẹ nhưng có người có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Đa phần điểm chung của các bệnh này là đều liên quan đến các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa đầu tiên như tiêu chảy hoặc táo bón, chán ăn, ợ hơi, đau bụng, sút cân không rõ nguyên nhân. Về lâu về dài sẽ xuất hiện thêm nhiều triệu chứng nguy hiểm khác.
Theo đó những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất bao gồm
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản( hay GERD) là một bệnh cực kỳ phổ biến hiện nay gặp ở cả người lớn và trẻ em. Nguyên nhân thường do thói quen ăn uống không lành mạnh, sử dụng các món muối chua, ăn quá no, ăn quá vội vã; lạm dụng thuốc tây; stress kéo dài.. Bệnh thường gặp ở những người béo phì, phụ nữ trong thai kỳ khiến người bệnh rất khó chịu.
Triệu chứng của GERD là tình trạng ợ hơi, ợ nóng kèm theo nóng rát ngực, vùng thượng vị căng tức. Acid trào ngược lên thực quản, đi qua thanh quản có thể làm loét vùng này nếu diễn ra quá thường xuyên, đồng thời miệng cũng có mùi hôi, men răng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Các triệu chứng này thường dễ diễn ra vào ban đêm do lúc này lượng acid tiết ra nhiều hơn, dạ dày nằm ngang với thực quản nên các acid dư thừa có thể dễ dàng đẩy lên miệng.
Các biến chứng do GERD gây ra nếu không điều trị sớm như viêm loét thực quản, các bệnh về hô hấp hay thậm chí là ung thư thực quản do các acid dịch vị tiếp xúc với cơ quan này quá thường xuyên và làm tổn thương thực quản nghiêm trọng. Tuy nhiên ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể điều trị bệnh này khá dễ dàng, thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống và một số loại thuốc mà không cần phải phẫu thuật.
Bệnh về đường tiêu hoá thường gặp – Hội chứng ruột kích thích
Nếu bạn luôn bị đau bụng, tiêu chảy khi uống cà phê, uống sữa hay một số thực phẩm nào đó thì rất có thể bạn đang mắc hội chứng ruột kích thích. Đây cũng là một bệnh tiêu hóa thường gặp, tuy chưa xác định rõ được nguyên nhân gây bệnh nhưng các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến các yếu tố di truyền, căng thẳng stress kéo dài, các thực phẩm – đặc biệt là nhóm thực phẩm có chứa chất béo hay chất kích thích.
Hội chứng ruột kích thích thường dễ xuất hiện nhất vào buổi sáng, ngay sau khi dùng điểm tâm nhưng cũng có thể diễn ra nhiều lần trong ngày. Cơn đau bụng có thể diễn ra âm ỉ trong 1- 2 ngày đồng thời đi ngoài luôn có cảm giác chưa hết phân. Ngoài ra những người mắc hội chứng ruột kích thích khi đi ngoài dù phân có lớp màng nhầy bọc bên ngoài nhưng sẽ không lẫn máu, nếu thấy dấu hiệu của máu sẽ là một bệnh khác.
Hầu hết với căn bệnh này, dù bạn có đi làm một số xét nghiệm hay sinh thiết nhưng sẽ không tìm thấy các tổn thương thực thể nào bên trong dạ dày hay đường ruột. Do đó các biện pháp điều trị thường không liên quan đến phẫu thuật. Người bệnh có thể được chỉ định thay đổi chế độ ăn uống, giảm các thực phẩm nhiều chất béo, thực phẩm ngọt có thể kích thích đường ruột và thay thế bằng các thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm cung cấp lợi khuẩn.
Thường bác sĩ sẽ chỉ định các nhóm thuốc chống đau, chống táo bón, chống tiêu chảy cho bệnh nhân. Một số trường hợp bác sĩ có thể kê đơn thuốc trầm cảm nhẹ nếu nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến căng thẳng stress kéo dài.
Viêm loét dạ dày
Thống kê hiện nay cho thấy có tới hơn 26% dân số Việt Nam mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và con số này vẫn đang có dấu hiệu không ngừng tăng lên. Theo đó đây là tình trạng xuất hiện các vết loét ở dạ dày, thực quản dưới hay một phần ruột non. Các vết loét này dần lan ra khiến người bệnh vô cùng đau đớn, thậm chí có thể gây mất xỉu nếu các tổn thương quá nặng, bệnh nhân mất máu trầm trọng.
Các nguyên nhân gây viêm loét rất đa dạng như thường xuyên lạm dụng rượu bia, đồ ăn cay nóng, stress căng thẳng kéo dài.. Đặc biệt vi khuẩn HP được cho là có liên quan trực tiếp đến các tác nhân gây bệnh và khiến bệnh dễ dàng tái phát trở lại hơn. Các triệu chứng thường gặp ở viêm loét dạ dày như đau tức thượng vị, chán ăn, ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, đi ngoài ra máu, nôn và buồn nôn ngay sau khi ăn.
Các vết loét tại dạ dày nếu không nhanh chóng được làm lành sẽ dẫn đến thủng dạ dày, hẹp môn vị thậm chí biến chứng thành ung thư. Ở giai đoạn sớm bệnh nhân có thể được chỉ định một số loại thuốc để kiểm soát các acid dịch vị, hạn chế làm tổn thương niêm mạc dạ dày nặng hơn. Tuy nhiên ở một trường hợp nặng, có thể xuất hiện biến chứng bệnh nhân phải cắt một phần hay toàn bộ dạ dày. Do đó cần phải phát hiện và điều tị bệnh càng sớm càng tốt.
Bệnh về đường tiêu hoá thường gặp – Bệnh trĩ
Tiêu chảy, táo bón mãn tính, chế độ ăn thiếu chất xơ, ít vận động, thường xuyên ngồi một chỗ, nhịn đại tiện là những nguyên nhân gây bệnh trĩ hàng đầu. Đây là bệnh về đường tiêu hoá thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người làm công việc văn phòng, tài xế.. gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, tinh thần người bệnh hằng ngày.
Người bị trĩ ban đầu sẽ thấy đau rát ở hậu môn, đặc biệt khi đi đại tiện. Khi búi trĩ sa ra ngoài có thể dẫn đến đại tiện ra máu, ngồi hay nằm cũng cảm thấy vô cùng đau đớn ở hậu môn. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời có thể gây ra thiếu mãn mãn tính do chảy máu tại hậu môn kéo dài, rối loạn chức năng hậu môn khiến người bệnh không kiểm soát được việc xì hơi hay đại tiện. Nguy hiểm hơn là hoại tử hậu môn, nhiễm khuẩn búi trĩ lan đến các cơ quan trên, thậm chí là tăng nguy cơ ung thư trực tràng – hậu môn.
Ở giai đoạn sớm, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc để hỗ trợ tiêu hóa ổn định, ngăn ngừa viêm nhiễm tại hậu môn đồng thời thay đổi chế độ ăn uống phù hợp. Tuy nhiên nếu búi trí đã sa ngoài bệnh nhân cần phải thực hiện các biện pháp loại bỏ búi trĩ bằng cách chích xơ hóa, áp lạnh, thắt búi trĩ bằng vòng cao su. Với những bệnh nhân đã tiến triển đến giai đoạn nặng bắt buộc phải phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng xuất hiện.
Bệnh Celiac (không dung nạp gluten)
Bệnh Celiac còn được gọi là hội chứng không dung nạp gluten là một bệnh về đường tiêu hoá thường gặp hiện nay do cơ thể không hấp thụ được dạng protein gọi là gluten. Triệu chứng của bệnh cực kỳ dễ nhận biết, chính là người bệnh dị ứng nghiêm trọng với các nhóm thực phẩm chứa gluten như các loại ngũ cốc, bánh mì ngũ cốc, như lúa mạch, lúa mì, yến mạch. Việc sử dụng các thực phẩm này sẽ khiến người bệnh đau bụng dữ dội kèm theo tiêu chảy, táo bón, nôn, phân có màu xám, phát ban hay một số người có thể xuất hiện mụn rộp.
Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Chỉ tạm thời xác định là do dị ứng gluten. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như yếu tố dị truyền; bệnh nhân Down hay Turner; người bị bệnh tuyến giáp, bệnh tiểu đường tuýp 1 hay viêm đại tràng. Ở một số bệnh nhân Celiac có thể không có các triệu chứng điển hình nên vẫn tiếp tục sử dụng các thực phẩm chứa gluten và dẫn tới loãng xương, thiếu máu hay co giật.
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn tình trạng này. Bệnh nhân chỉ cần loại bỏ các thực phẩm có chứa gluten ra khỏi bữa ăn hằng ngày. Một số thực phẩm được phép dùng với bệnh nhân như trứng, thịt nạc, sữa ít béo, các loại bột. gạo, đậu nành, ngô, khoai tây, đậu.. Bệnh nhân nên trao đổi thêm với bác sĩ để có chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng nhất.
Hội chứng không dung nạp đường lactose
Nếu bạn uống sữa mà bị đau bụng, tiêu chảy nghiêm trọng thì rất có thể đã mắc hội chứng không dung nạp đường lactose. Nguyên nhân gây bệnh được cho là do do cơ thể không sản xuất đủ enzyme lactase cần thiết để có thể hấp thụ đường lactose từ trong các thực phẩm như sữa, phô mai hay một số thực phẩm khác có nguồn gốc từ sữa. Ngoài ra ở những người tổn thương ruột non sau điều trị Rotavirus hay mắc bệnh Crohn, bệnh Celiac cũng làm bệnh xuất hiện bất ngờ.
Một số trẻ có thể bị bất dung lactose bẩm sinh nhưng khá hiếm gặp hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu trẻ sơ sinh bị chứng bất dung lactose vẫn có thể bú mẹ do lactose từ sữa mẹ vẫn có thể hấp thụ được cho dù thiếu hụt enzyme lactase. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng này khác như trẻ bị sinh non, người cao tuổi, người sinh sống ở khu vực châu Á, Tây Ban Nha và Mỹ Ấn hay bệnh nhân sau điều trị hóa trị, xạ trị.
Các triệu chứng bất dung lactose sẽ xuất hiện trong vòng 30 phút đến 2 tiếng sau khi dùng sữa với các dấu hiệu điển hình như đau bụng dữ dội, chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy và nôn. Trẻ nhỏ nếu mắc chứng này và không được phát hiện kịp thời có thể dẫn tới chậm phát triển. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài giờ hay vài ngày liên tiếp.
Hiện vẫn chưa có các phương pháp để điều trị tình trạng này hoàn toàn, cách duy nhất là loại bỏ sữa và các thực phẩm từ sữa ra khỏi chế độ ăn uống hằng ngày. Tuy nhiên sữa là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể nên người bệnh cần dùng các loại viên uống canxi hay viên uống vitamin D để bù đắp các chất bị thiếu hụt. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể uống enzyme lactase để duy trì lượng enzym này ổn định hơn thì có thể sử dụng sữa.
Bệnh về đường tiêu hoá thường gặp – Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là bệnh tiêu hóa thường gặp ở độ tuổi 16 – 30 và 60 – 80, thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ so với nam giới. Mặc dù vậy ở trẻ em các bé nam lại có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn bé gái. Các tổn thương viêm do Crohn thường nằm ở phần nối cuối ruột non với đầu đại tràng.
Các triệu chứng điển hình thường gặp ở bệnh Crohn như tiêu chảy, chán ăn, sụt cân, viêm loét đường ruột, xuất hiện máu trong phân, sốt, mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, viêm khớp ở da hay mắt.. Bệnh nhân cần phải đi bệnh viện thăm khám ngay nếu bị xuất huyết tiêu hóa hay sốt cao kéo dài trong 3 ngày.
Hiện nay vẫn chưa thể xác định chính xác đâu là nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên các nhà khoa học mới chỉ khác định bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền, người có hệ miễn dịch suy yếu, người có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn cũng dễ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra ở những người thường xuyên hút thuốc lá, người nghiện rượu bia, người sống ơ vùng nước bị ô nhiễm cũng là đối tượng hàng đầu dễ mắc bệnh.
Hiện tại chưa có phương pháp nào điều trị bệnh triệt để. Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc chống tiêu chảy, nước và dung dịch oresol, một số loại thuốc kháng viêm, thuốc ức chế miễn dịch hay thuốc kháng viêm. Bác sĩ cũng yêu cầu bệnh nhân tăng cường bổ sung các loại canxi, sắt, vitamin D.. Trong một số trường hợp bệnh nhân cần phải phẫu thuật nhưng vẫn cần tiếp tục dùng thuốc để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát trở lại.
Bệnh viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng cũng là một bệnh viêm đường ruột phổ biến, khá giống với bệnh Crohn nhưng thường chỉ xảy ra ở ruột già. Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị nhầm lẫn thức ăn với các “kẻ xâm nhập” dẫn đến kích ứng và gây ra những vết loét lan rộng tại ruột già. Những vết loét này sẽ dẫn đến chảy máu, chảy mủ và dịch nhầy đồng thời những chất này sẽ chảy xuống đường tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy.
Bệnh thường không xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 15 – 35, tuy nhiên những người mắc bệnh hầu như sẽ phải mang bệnh đến suốt cuộc đời. Viêm loét đại tràng gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, tinh thần người bệnh hằng ngày. Nguyên nhân gây bệnh được đánh giá là liên quan đến một số yếu tố như tiền sử gia đình, những người dùng isotretinoin trong điều trị mụn hay những người bị stress căng thẳng kéo dài.
Phương pháp điều trị chính hiện nay là dùng một số loại thuốc như kháng viêm, thuốc Mesalamine để duy trì trạng thái ổn định, ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Một số bệnh nhân có thể được yêu cầu cắt đại tràng để ngăn ngừa nguy cơ các biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện.
Bệnh về đường tiêu hoá thường gặp – Bệnh sỏi mật
Sỏi mật cũng là một căn bệnh ở đường tiêu hóa vô cùng phổ biến do có những chất cặn cứng, rắn như đá, nhầy bùn trong túi mật. Các hạt này được hình thành từ các thành phần nhầy hay bùn có trong dịch mật. Sỏi thường hình thành do cơ thể có quá nhiều cholesterol, chất thải hoặc túi mật hoạt động kém hiệu quả. Bệnh nếu không nhanh chóng điều trị kịp thời có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật cấp tính, viêm tuy, ung thư túi mật,… thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng.
Các triệu chứng điển hình của bệnh sỏi mật như đau bụng đột ngột ở khu vực trung tâm bụng, ngay dưới xương ức; đau ở vai phải, đau lưng ở giữa xương bả vai, sốt cao.. Ngoài ra các dấu hiệu rất dễ nhận biết khác khi túi mật có vấn đề như vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng.. cũng rất dễ nhận biết nên người bệnh cần phải chú ý thường xuyên để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh này.
Với tình trạng sỏi có kích thước dưới 1,5cm chưa bị canxi hóa, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc làm tan sỏi. Tuy nhiên nếu kích thước sỏi đã lớn, một số trường hợp có thể to bằng quả bóng golf bệnh nhân cần phải tiến hành phẫu thuật nhanh chóng để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm khác có thể xuất hiện.
Hướng phòng tránh các bệnh về đường tiêu hoá thường gặp
Đa phần các bệnh về đường tiêu hóa thường gặp đều xuất hiện do lối sống, lối ăn uống thiếu khoa học. Các triệu chứng ban đầu của các bệnh này ban đầu chỉ đơn thuần là đau bụng, khó tiêu, chán ăn .. nhưng nhanh chóng sẽ tiến triển nên mức độ cao, thậm chí gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nên cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
Mỗi người đều có thể phòng tránh tối đa nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa thông qua các biện pháp sau đây
- Thay đổi thói quen ăn uống hằng ngày, ăn đúng bữa, không bỏ bữa, không ăn quá khuya, không vận động mạnh ngay sau khi ăn, không ăn quá no, đặc biệt vào buổi tối
- Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ vào trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây
- Đảm bảo bổ sung đủ 2- 2,5 lít nước mỗi ngày, có thể kết hợp thêm các loại nước trái cây hay nước ép rau củ nhưng vẫn nên ưu tiên nước lọc
- Nêm nếm vừa ăn, thay đổi thói quen ăn quá mặn, quá ngọt hay quá cay
- Hạn chế ăn các thực phẩm khô cứng, đồ ăn nhanh, đồ ăn công nghiệp, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn ăn nóng, các món ăn muối chua
- Hạn chế bia rượu, nước ngọt, trà sữa, cà phê hay các chất kích thích khác
- Hạn chế nằm ngay sau khi ăn mà nên đi bộ nhẹ nhàng để thức ăn tiêu hóa tốt hơn
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày
- Yoga và thiền đều là những liệu pháp rất tốt cho hệ tiêu hóa
- Coi trọng giấc ngủ, tránh thức quá khuya
- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn mỗi ngày
- Thăm khám bác sĩ sớm nếu thấy có các dấu hiệu bất thường như xuất huyết ra máu, tụt cân không rõ nguyên nhân, thường xuyên bị đau quặn bụng..
Trên đây là một bệnh về đường tiêu hoá thường gặp, ngoài ra còn rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác có thể xuất hiện nếu người bệnh vẫn có lối sống thiếu khoa học. Hãy bắt đầu thay đổi lối sống, dinh dưỡng khoa học lành mạnh hơn từ ngay hôm nay để hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh này, bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!