Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa còn non nớt nên rất dễ gặp phải các vấn đề bất thường. Mẹ cần tìm hiểu và nắm rõ các dấu hiệu nhận biết tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh. Điều này giúp sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp khi trẻ không may gặp phải các triệu chứng bất thường.
Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị rối loạn tiêu hóa?
Rối loạn tiêu hóa đề cập đến tình trạng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt một cách bất thường. Từ đó gây đau bụng kèm theo các thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn.
Trên thực tế, tình trạng rối loạn tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Trong đó, trẻ sơ sinh là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải những bất thường ở hệ tiêu hóa do nhiều nguyên nhân.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh:
1. Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện
Khi mới sinh ra, hệ tiêu hóa của trẻ chưa có được sự hoàn thiện cả về cấu tạo lẫn chức năng. Cụ thể như sau:
- Lúc mới sinh, cấu tạo miệng của trẻ là nhỏ, môi dày, lưỡi to và chưa có răng. Do đó chỉ thích hợp với việc bú mẹ hay bú sữa công thức. Trước 5 tháng tuổi, dạ dày của trẻ vẫn chưa thể tiêu hóa được tinh bột.
- Sau 5 – 6 tháng tuổi, bé bắt đầu mọc răng và hệ tiêu hóa cũng dần hoàn thiện hơn. Trẻ lúc này cần được ăn dặm để bổ sung đầy đủ dưỡng chất. Tuy nhiên nếu tiêu thụ các thức ăn không phù hợp thì rất dễ bị tiêu hóa.
- Thực quản của trẻ sơ sinh còn ngắn, thành mỏng nên khiến cho lớp cơ thắt thực quản hoạt động không tốt. Do đó, dịch dạ dày có cơ hội trào ngược lên và khiến bé bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Dạ dày của trẻ sơ sinh có dung tích nhỏ lại nằm cao trong bụng. Hơn nữa thành dạ dày còn mỏng và có ít sợi cơ đàn hồi.
- Gan của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện. Do đó trẻ chưa thể tiêu hóa và hấp thụ hoàn toàn các loại thức ăn.
- Cơ bụng, cơ đáy chậu cũng như cơ hậu môn của trẻ chưa thể phối hợp nhịp nhàng. Điều này khiến tình trạng táo bón rất dễ xảy ra.
Thực tế cho thấy, trẻ sơ sinh được sinh thường và đủ tháng sẽ có hệ tiêu hóa tốt hơn những bé sinh mổ hay sinh non. Ngoài ra, các trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn cũng sẽ có nhiều dưỡng chất và kháng thể giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn là những trẻ được nuôi bằng sữa công thức.
2. Chế độ ăn uống không phù hợp
Đây cũng là một trong những nguyên nhân rất phổ biến khiến cho trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa. Bởi tùy thuộc vào từng độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ mà mẹ cần lựa chọn thức ăn phù hợp. Nếu không chú ý đến vấn đề này thì trẻ sẽ rất dễ gặp phải bất thường về hệ tiêu hóa.
- Trẻ sơ sinh cần tiêu thụ các loại thức ăn mềm và cân đối về dinh dưỡng. Nhất là với những trẻ dưới 6 tháng tuổi thì thức ăn chính là sữa mẹ hay sữa công thức.
- Những trẻ sinh non cần 1 chế độ ăn uống và chăm sóc riêng biệt. Vừa phải bổ sung đầy đủ dưỡng chất nhưng cũng cần phù hợp với sự hoàn thiện của hệ tiêu hóa.
- Trẻ sơ sinh cần tiêu thụ khối lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu của bé. Nếu vượt quá mức nhu cầu thì bé cũng sẽ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh cũng có thể khiến cho hệ tiêu hóa bị rối loạn. Đặc biệt là thức ăn ôi thiu hay chế biến không sạch sẽ sẽ khiến cho các tác nhân gây hại xâm nhập vào hệ tiêu hóa của bé. Từ đó gây loạn khuẩn đường ruột và dẫn tới rối loạn tiêu hóa.
Cách mẹ cho ăn chưa đúng cũng ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của bé. Ép bé ăn quá nhiều, ăn nhanh, cho bé vừa ăn vừa chơi, ăn uống không đúng giờ giấc… là các vấn đề thường gặp nhất.
3. Mắc các bệnh đường tiêu hóa bẩm sinh
Tình trạng mắc các bệnh đường tiêu hóa bẩm sinh thường không phổ biến. Tuy nhiên vẫn có một số trẻ gặp phải tình trạng này. Các bất thường có thể bao gồm:
- Dính ruột
- Tắc ruột
- Dị dạng đường tiêu hóa
- Có khối u ở đường tiêu hóa
- Viêm teo dạ dày – đại tràng
- Viêm loét dạ dày – tá tràng
Đối với nguyên nhân do các bệnh lý đường tiêu hóa bẩm sinh thì thường nghiêm trọng hơn. Trẻ cần được điều trị y tế kịp thời để hạn chế các vấn đề rủi ro phát sinh.
Các dấu hiệu rối loạn tiêu hoá ở trẻ sơ sinh mẹ nên biết
Các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh tương đối đa dạng và điển hình. Mẹ cần nắm rõ để sớm phát hiện khi trẻ gặp phải các vấn đề bất thường. Việc phát hiện sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khắc phục.
Dưới đây là một số dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh:
1. Nôn trớ
Nôn trớ là tình trạng đẩy ngược các chất có trong dạ dày qua miệng dưới sự tác động gắng sức của cơ thể. Các nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ sơ sinh thường là cho trẻ bú quá no, nằm bú không đúng tư thế, các cữ bú quá gần nhau, lỗ núm vú cao su quá to hay quá nhỏ…
Ngoài nôn trớ sinh lý thì một số dị dạng ở đường tiêu hóa cũng có thể khiến trẻ sơ sinh bị nôn trớ. Ví dụ như phình đại tràng bẩm sinh, teo thực quản, teo tắc ruột… Nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Nôn trớ được cho là một trong những triệu chứng rất điển hình của tình trạng rối loạn tiêu hóa. Trẻ bị nôn trớ nhiều rất dễ bị mệt mỏi, mất nước và mất cân bằng điện giải.
2. Bất thường về tần suất đại tiện và hình thái phân
Thông thường, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có xu hướng đi đại tiện 2 – 3 ngày/ lần. Do trẻ thường chỉ bú sữa mẹ hay sữa công thức nên phân thường mềm. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh có thể có các biểu hiện sau:
- Trẻ đi đại tiện ít hơn 3 lần/ tuần, phân khô cứng thì có thể trẻ đang bị táo bón.
- Trường hợp trẻ đi đại tiện nhiều hơn 3 lần/ ngày, phân lỏng có mùi tanh hay nhầy máu thì có thể là do tiêu chảy.
- Trẻ đi đại tiện 2 – 3 lần/ ngày phân lỏng, mùi chua và lợn cợn hạt thì chứng tỏ trẻ đang gặp phải tình trạng phân sống.
Việc theo dõi tần suất đại tiện và hình thái phân của trẻ sơ sinh chính là cách rất đơn giản để mẹ nắm được sức khỏe hệ tiêu hóa của bé. Từ đó có sự can thiệp phù hợp nếu nhận thấy bất thường xảy ra.
3. Đầy chướng bụng
Tình trạng thức ăn không tiêu hóa được hoàn toàn sẽ khiến cho chất thải lắng đọng ở ruột già. Từ đó khiến cho bé bị đầy chướng bụng. Khi sờ vào bụng của bé, mẹ có thể thấy bụng bé căng cứng, vỗ nhẹ phát ra tiếng bộp bộp.
Ngoài ra, sự mất cân bằng đường ruột còn khiến cho hệ cơ vòng co thắt một cách bất thường. Từ đó khiến cho trẻ gặp phải tình trạng đau bụng. Cơn đau đôi khi còn quặn thắt khiến trẻ ôm bụng hay khóc dữ dội.
4. Trẻ chán ăn, bỏ bú
Trẻ chán ăn và bỏ bú là tình trạng xảy ra phổ biến khi hệ tiêu hóa hoạt động bất ổn. Nguyên nhân bắt nguồn từ cảm giác chướng bụng, đầy hơi và ăn không tiêu. Trẻ sẽ không còn muốn tiêu thụ thêm thức ăn do hệ tiêu hóa đang gặp phải nhiều áp lực.
Ngoài ra, bất cứ tình trạng rối loạn tiêu hóa nào cũng đều khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Trẻ sẽ thường xuyên quấy khóc, không chịu chơi, bám mẹ, không chịu ăn và ngủ không sâu giấc.
5. Hăm loét hậu môn
Hăm loét hậu môn là tình trạng xảy ra rất phổ biến nếu trẻ bị đại tiện phân sống kéo dài. Nguyên nhân là do thức ăn không được phân cắt cũng như tiêu hóa hoàn toàn ở ruột non. Khi xuống ruột già, thức ăn sẽ bị vi khuẩn lên men. Lúc này phân sẽ có tính acid và khiến cho hậu môn của trẻ bị hăm loét.
6. Mất nước
Tình trạng mất nước rất dễ xảy ra khi rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh gây tiêu chảy kéo dài. Các dấu hiệu sớm của mất nước thường là háo khát, vật vã, kích thích, mắt trũng, nếp véo da mất chậm. Cần sớm phát hiện và can thiệp để tránh các rủi ro nghiêm trọng hơn xảy ra.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Đối với trẻ sơ sinh, giai đoạn đầu đời thường rất nhạy cảm. Những vấn đề bất thường xảy ra ở thời điểm này luôn tiềm ẩn liều lo ngại. Đặc biệt, tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
- Trẻ có thể bị tiêu chảy cấp tính. Đây là tình trạng rất nguy hiểm có thể gây ra nhiều hệ lụy. Điển hình như gây rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích tuần hoàn, sốt cao gây co giật, nhiễm khuẩn máu… Đây là các vấn đề có thể đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời.
- Tình trạng táo bón kéo dài cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Ví dụ như phân khô cứng không thải ra ngoài được gây tắc ruột, sa trực tràng, phình đại tràng. Hơn nữa còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh nứt kẽ hậu môn hay bệnh trĩ.
- Trẻ bị đi ngoài phân sống thường không nguy hiểm. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài thường gây kém hấp thu chất dinh dưỡng. Từ đó dẫn tới còi xương, suy dinh dưỡng, suy giảm đề kháng, dễ ốm vặt và chậm phát triển trí não.
Điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Điều trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ sơ sinh cần căn cứ vào yếu tố nguyên nhân và triệu chứng mà trẻ gặp phải. Cụ thể như sau:
1. Các giải pháp tại nhà
Đối với những biểu hiện nhẹ, mẹ có thể xử lý chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ tại nhà. Các biện pháp điều trị cần căn cứ theo từng tình trạng.
– Đối với chứng táo bón:
- Mẹ nên bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn của mình để cho nguồn sữa chất lượng. Nếu trẻ dùng sữa công thức thì nên tham khảo bác sĩ để lựa chọn loại phù hợp.
- Bổ sung thêm nước cho trẻ. Nhất là với những trẻ trên 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ uống nước ngay cả khi trẻ không có nhu cầu.
- Sử dụng tinh dầu tràm trà hay các dung dịch massage để massage bụng cho trẻ. Mẹ cần nhẹ nhàng xoa quanh rốn của trẻ theo chiều kim đồng hồ.
- Sử dụng mật ong để ngoáy hậu môn cho trẻ. Điều này giúp cho bé đi tiêu dễ dàng hơn.
- Bổ sung lợi khuẩn bằng cách cho bé sử dụng các sản phẩm men vi sinh. Cần tham khảo bác sĩ để được tư vấn sản phẩm phù hợp.
– Nếu trẻ bị tiêu chảy:
- Mẹ nên cho trẻ uống bù dịch khi bị tiêu chảy. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi có thể cho uống sữa, nước lọc, canh hay nước hoa quả.
- Bổ sung chất dinh dưỡng để ngăn ngừa tình trạng thiếu chất. Nếu trẻ đang bú mẹ thì chế độ ăn uống của mẹ cần đảm bảo để có nguồn sữa tốt nhất.
- Bổ sung kẽm và các lợi khuẩn đường ruột. Nếu trẻ đang uống sữa công thức thì nên cân nhắc đổi sữa cho trẻ nếu thấy cần thiết.
– Trường hợp trẻ đại tiện phân sống:
- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình thường mẹ thường cho trẻ ăn cách 4 tiếng/ lần. Nhưng nếu trẻ bị đại tiện phân sống thì nên chia thành nhiều cữ hơn. Có thể cho bé ăn 3 tiếng/ lần và giảm bớt lượng sữa mỗi lần.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi thì nên cho ăn 4 bữa mỗi ngày. Tuy nhiên cần giảm bớt lượng thức ăn trong mỗi bữa cho phù hợp.
- Ưu tiên chọn các thức ăn dễ tiêu để giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Tránh cho bé ăn các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ.
- Chú ý bổ sung kẽm và lựa chọn sản phẩm men vi sinh phù hợp để cho bé sử dụng.
2. Điều trị y tế
Hầu hết các trường hợp rối loạn tiêu hóa có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên, me nên theo dõi sát sao các biểu hiện mà trẻ gặp phải. Đồng thời đưa con đi thăm khám bác sĩ khi cần thiết để tránh các vấn đề nguy hiểm xảy ra.
Cần tìm đến bác sĩ khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Trẻ bị tiêu chảy liên tục trên 3 ngày hay đi tiêu nhiều hơn 10 lần/ ngày
- Táo bón kéo dài, trẻ bị đi ngoài ra máu
- Tình trạng đại tiện phân sống kéo dài trên 2 tuần
- Trẻ bị sốt cao trên 39°C
- Trẻ có các dấu hiệu mất nước: háo khát, mắt trũng, vật vã, nếp véo da mất chậm…
- Trẻ bị đau quặn bụng
- Trẻ có biểu hiện khóc thét không ngừng
Khi thăm khám bác sĩ sẽ tìm hiểu rõ nguyên nhân. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Mẹ cần nghiêm túc thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ và theo dõi sát sao quá trình điều trị của trẻ.
Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Có rất nhiều biện pháp giúp phòng ngừa hiệu quả tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh. Từ đó giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động khỏe mạnh và tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất.
Cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Người mẹ nên duy trì chế độ ăn uống khoa học khi mang thai. Cần tránh hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá thụ động.
- Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Điều này giúp nâng cao miễn dịch cho cơ thể trẻ. Nếu mẹ không có đủ sữa thì hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về sản phẩm sữa phù hợp với bé.
- Thực đơn dinh dưỡng của mẹ đang cho con bú và trẻ sơ sinh cần đa dạng, đảm bảo dưỡng chất cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Không để bé bú quá no. Mẹ nên tập cho bé thói quen ăn uống và đại tiện đúng giờ.
- Giữ gìn vệ sinh thân thể cũng như môi trường xung quanh bé.
- Tuyêt đối không tùy tiện dùng thuốc cho trẻ, cần tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ.
- Cho trẻ đi nhỏ vaccine Rota và tiêm chủng đầy đủ.
- Thường xuyên bổ sung lợi khuẩn cho trẻ bằng các sản phẩm men vi sinh phù hợp.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh là tình trạng phổ biến các mẹ cần đặc biệt chú ý. Theo dõi sát sao biểu hiện triệu chứng để có biện pháp khắc phục phù hợp. Trường hợp các giải pháp tại nhà không đáp ứng tốt hay trẻ gặp phải các biểu hiện nghiêm trọng cần kịp thời tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Bình luận
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!